26/10/2011, 7:47 am
Super Mod
Đọc bài này trên facebook của Bình Định Ngày Nay đã lâu, có nhiều chi tiết rất quý, nay xin chia sẻ lại với mọi người. Cảm ơn bác Hà An Mỹ, một người con của Phù Mỹ đã viết bài này cho quê hương mình.
Phù Mỹ là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định. Theo chiều Bắc - Nam của Quốc lộ 1 thì ranh giới Phù Mỹ từ km 970 đến km 1000 (số ước chừng). Phía bắc giáp Hoài Nhơn, Nam và Tây nam giáp Phù Cát. Phía tây bắc có một phần giáp Hoài Ân và hiển nhiên phía đông là biển.
Trong những năm tháng chiến tranh, Phù Mỹ cũng là nơi chịu nhiều bom đạn của Mỹ đổ xuống vùng đất này. Có những nơi là “ vùng trắng” của máy bay oanh kích và pháo bầy. Xóm làng xác xơ vì bom đạn.
Phù Mỹ có di tích lịch sử chiến thắng Đèo Nhong. Tôi chỉ nhớ hồi còn bé, khi nghe tiếng nổ cái ùm (đề -pa) cha mẹ tôi ẵm anh em tôi xuống hầm. Khi thì chiến sự ở đồi Miếu thuộc xã Mỹ Thành. Thỉnh thoảng có những quả pháo mồ côi, bắn từ Phù Mỹ xuống đồi Hội Thuận giáp Mỹ Tài, lại rơi xuống quê tôi. Rồi pháo hạng nặng từ tàu biển bắn vào. Pháo này nổ nghe kinh hoàng và sức tàn phá thuộc loại kinh khủng. Quê tôi không còn một hàng dừa nào nguyên vẹn. Không một thửa ruộng muối nào không có những hố đạn pháo. Những cây Đước, cây Bần, cây Mắm trơ trọi chỉ còn than. Những ngọn cây đổ quặp xuống cả một vùng.
Chiến thắng Đèo Nhong. Ảnh: Trần Ngọc Viễn
Thời đó Phù Mỹ có 14 xã: Mỹ Thắng, Mỹ Trinh, Mỹ Đức, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Thọ.
Một mảnh đất cũng lắm đau thương của một thời chiến tranh. Rất nhiều bia tưởng niệm, bia ghi lại tội ác của kẻ thù được xây dựng trên đất Phù Mỹ. Bia di tích tội ác của Mỹ - ngụy ở ngay đầu cầu Bình Trị là một ví dụ.
Khi trở lại quê hương sống bằng nghề đi biển. Tôi mới biết Phù Mỹ có một vùng biển rất đẹp như trong tranh thủy mạc xưa. Bãi cát trắng dài xen lẫn giữa những ngọn núi, từ thôn Vĩnh Lợi - Mỹ Thành (cửa biển Đề Gi) kéo dài đến cửa Hà Ra - Mỹ Đức. Đoạn này có thắng cảnh Mũi Rồng và ngọn Hải Đăng ở Mỹ Thọ. Có thể đây là bãi cát dài nhất của tỉnh Bình Định.
CON ĐƯỜNG ĐỂ ĐI VỀ QUÊ TÔI
1. Từ thị trấn Phù Mỹ
Mỹ Cát nằm ở phía đông của huyện Phù Mỹ. Nằm trên trục đường từ thị trấn Phù Mỹ đi Mỹ Thọ với chiều dài trên dưới 20km. Tại ngã ba An Lương thuộc xã Mỹ Chánh đi thẳng về hướng đông là xã Mỹ Cát. Nếu quẹo trái ra hướng Bắc là Mỹ Thành và Mỹ Thọ. Chợ An Lương là một trong những chợ phiên lớn của huyện. Cứ 5 ngày nhóm chợ một lần vào các ngày mùng 3, 8,
13, 18, 23, 28 Âm lịch. Cứ đến ngày này bà con trong huyện và vùng Phù Cát kế cận mang hàng hóa nông sản về tập trung bán ở đây. Từ ký ớt khô đến con trâu, con bò đều có cả. Mỗi phiên chợ có đến hàng nghìn người tham gia đông vui như ngày hội.
Muốn về Mỹ Cát phải vượt qua hai con sông là Lu Xiêm Giang và sông La Tinh (còn gọi là sông Cả hay sông Mỹ Cát ). Cả hai con sông này chảy song song với nhau cách nhau chừng hơn trăm thước. Cầu An Xuyên bắc qua sông Lu Xiêm Giang và cầu An Mỹ bắc qua sông La Tinh.
2. Từ ngã ba Nhà Đá - Mỹ Hiệp
Từ bắc vào nam theo QL1 qua khỏi thị trấn Phù Mỹ chừng vài km thì gặp một ngã ba bên trái. Đấy cũng là con đường nối QL1 từ Mỹ Hiệp - Mỹ Tài - Mỹ Cát - Mỹ Chánh - Chợ An Lương. Nghe đâu đây là vùng đất trong chiến tranh các du kích của ta được trổ nghề bắn tỉa, cũng là nơi bị càn quét với một mật độ dày đặc. Từ đường QL1 xuống thì phía bên phải là ruộng
đồng nhưng bên trái là núi. Mỹ Tài có chợ Đỗ cũng là chợ phiên vào các ngày 4,9,14,19,24,29 Âm lịch. Chợ Đỗ là chợ gần như chuyên bán về nông sản là nhiều, không đầy đủ như chợ An Lương - Mỹ Chánh. Mỹ Tài là một trong những địa phương có nhiều người thành đạt. Trong đội ngũ trí thức có học vị Tiến sĩ, có lẽ Mỹ Tài là xã có nhiều nhất của huyện Phù Mỹ và
cả tỉnh. Qua khỏi chợ Đỗ chừng vài km thì trục đường đi song song với sông La Tinh. Sông La Tinh đoạn này là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Khỏi địa phận Mỹ Tài là đến thôn Hội Thuận - Mỹ Cát.
3. Từ ngã ba Chợ Gồm - Cát Hanh
Qua khỏi huyện Phù Mỹ thì xã đầu tiên của huyện Phù Cát là Cát Hanh. Đây là xã anh hùng, điều đó cũng nói lên sự chịu đựng hy sinh mất mát của người dân vùng này trong chiến tranh. Tuyến đường này đi qua những xã nào thì tôi không rõ vì hiếm khi tôi đi qua. Tôi chỉ biết nó kéo dài từ QL1 xuống đến Cát Minh và chạy thẳng xuống cửa biển Đề Gi thuộc xã Cát Khánh. Tại Cát Minh cũng có một cái chợ nhóm theo phiên là chợ Gành thuộc thôn Đức Phổ. Chợ Gành là chợ gần biển nên hàng hóa gần như là đồ biển là nhiều.Từ chợ Gành ngược ra hướng bắc qua một con lạch nước mặn nhỏ là đến thôn An Mỹ quê tôi. Đường từ chợ Gành về quê tôi nay là tỉnh lộ 639 đi dọc biển của tỉnh Bình Định. Nó xuất phát từ ngã tư Tuy Phước ra đến tận Hoài Nhơn. Cát Minh và Cát Khánh là hai xã của huyện Phù Cát giáp với đầm nước lợ Đề Gi theo vòng cung phía nam. Xã Mỹ Cát và xã Mỹ Thành của huyện Phù Mỹ giáp Đề Gi theo vòng cung phía Bắc.
Xã Mỹ Cát có 4 thôn: An Mỹ, Trinh Long Khánh, Chánh Hội và Hội Thuận. Vì là xã cuối cùng phía đông và phía nam của huyện nên quê tôi giáp với xã Cát Minh, Cát Tài của huyện Phù Cát.
Ngọn Hải Đăng ở biển Tân Phụng. Ảnh sưu tầm
Trong 4 thôn thì duy nhất thôn An Mỹ vừa có biển vừa có đồng. Ba thôn còn lại là thuần nông. Riêng thôn Hội Thuận giáp xã Mỹ Tài thì còn có đất soi (đất rẫy kề chân núi). Thôn Hội Thuận là thôn có số đông là người dòng họ Hồ và cũng là quê ngoại tôi. Khi tôi đã lớn,mỗi lần mang tôm, cá, sứa về quê ngoại đám giỗ, Mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại cả thôn này là người cùng họ không được “mây gió” với cô thiếu nữ nào. Thực ra thì gia phả phải dày cỡ tự điển của Oxford thì mới nhận ra là bà con. Thế mới biết ở quê tôi ngày xưa, các Cụ nhà ta quý trọng tình nghĩa đến mức nào.
Sinh ra trên quê hương Phù Mỹ nhưng vì chiến tranh gia đình tôi phải vào Quy Nhơn để sống. Tôi rời quê hương khi còn là một cậu bé ngồi trong đôi bầu để mẹ gánh đi. Sau ngày thống nhất đất nước, khi tôi đã trưởng thành, gia đình tôi mới trở lại quê hương Mỹ Cát. Chưa yên ổn nhà cửa thì chiến tranh Biên giới Tây Nam xảy ra. Tôi phải lại một lần nữa rời khỏi quê hương mình.
Một cuộc ra đi trong vội vã. Tôi chưa kịp nói lời chia tay với người tôi yêu thương. Chưa kịp dọn những thửa ruộng muối còn vương vãi đất mưa. Bao người như tôi trong chuyến đi ấy chưa kịp làm điều gì trọn vẹn. Tuyến lửa của Quân khu 5 từ Đức Cơ - Gia Lai đến Đắc Đam - Đắc Lắc “lửa đã cháy và máu đã đổ”. Chuyến ra đi năm đó khá dài về thời gian, và rộng về không gian. Từ quê hương Bình Định đến vùng đất đỏ Đức Cơ - Tây Nguyên, rồi rong ruổi qua 4 tỉnh của miền đông bắc Campuchia: Ratanakiri, Mondonkiri, Stungtreng và Preah vihear.
Sau ngày tôi ra đi ít lâu, gia đình tôi lại vào Nam sinh sống. Từ chiến trường trở về, quê hương ruột thịt là ngôi nhà tranh vách đất cửa đóng then cài. Cây chùm ruột tôi trồng trước khi lên đường đã vài mùa ra trái.
Thắng cảnh Mũi Rồng ở Mỹ Thọ. Ảnh sưu tầm
Mỗi lần đến mùa ra trái, ai cũng nhắc đến người con đang biền biệt phương xa. Lá đước rụng phủ kín một lớp dày trước sân nhà. Chiếc xuồng nan tre vẫn nằm dưới nước chơ vơ. Tôi chỉ “ghé thăm” quê hương mình một thời gian ngắn ngủi. Một lần nữa phải ngậm ngùi xót xa vác ba lô vào miền đất Nam bộ xa xôi.
Tôi không có nhiều kỷ niệm để viết về nơi đã sinh ra mình. Trong ký ức của tôi chỉ còn nhớ một đầm nước lợ Đề Gi nước trong xanh mùa tháng 6. Đề Gi đục ngầu, sóng giận dữ mùa biển động. Con sông La Tinh ngoằn ngoèo chảy uốn quanh.
Chỉ còn là những dòng sông.
Dòng sông của tuổi thơ.
Dòng sông của những năm đợi tháng chờ…
Sông La Tinh “con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát” một thời…
Hà An Mỹ